Pascal từng nói: “Khi ta đọc quá nhanh hay quá chậm, ta chẳng hiểu gì cả”.
Hằng ngày, chúng ta tiếp thu thông tin thông qua việc đọc sách báo, tin tức facebook, sách, tạp chí, công trình khoa học… nhưng có bao giờ ta đặt câu hỏi nên làm thế nào để đọc hiệu quả nhất?
Mortimer Adler đã dành cả đời để nghiên cứu về chủ đề này, cuốn sách Phương pháp đọc sách hiệu quả của ông ra đời từ năm 1940 đến nay vẫn chưa từng hết “Hot” với giới đọc sách. Tác phẩm đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha, Italia và được tái bản, chỉnh sửa cho phù hợp với từng thời đại.
Trong phần nội dung, Adler chia thành 4 cấp độ đọc: Đọc sơ cấp, đọc kiểm soát, đọc phân tích, đọc đồng chủ đề. Từng cấp độ được ông phân tích và hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, ông cũng dành nhiều thời gian để người đọc có thể “hiểu” được tác giả tốt nhất với 11 nguyên tắc đọc. Để hỗ trợ người muốn có thể làm được gì đó ngay sau khi đọc sách, Adler đã hướng dẫn tỷ mỷ cách đọc để thực hành, đọc tác phẩm văn học, đọc truyện, kịch, thơ, lịch sử, khoa học, toán học, triết học, khoa học xã hội.
Xuyên suốt tác phẩm, Adler dùng ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu để bạn đọc ở tất cả các mức độ đều nhận được lợi ích. Đi theo từng trang sách, người đọc như trải qua từng quá trình chập chững bước đi trong thế giới đọc cho đến khi đạt đến mức độ cao nhất của việc đọc.
“Đọc tốt, hay đọc tích cực, không chỉ tốt cho chính bản thân việc đọc, cũng không chỉ là một phương tiện giúp ta tiến bộ trong công việc hay nghề nghiệp. Nó còn giúp ta giữ cho trí óc sống và phát triển”.
(Trích những dòng cuối của cuốn sách).
Hãy dành một khoảng thời gian tìm hiểu về cách làm trước khi làm, chúng ta sẽ bớt thử và sai hơn và tận dụng được sức mạnh của những người đi trước. Nếu bạn muốn đọc, thích đọc, đang đọc… cuốn sách sẽ giúp bạn bớt rất nhiều thời gian và đạt hiệu quả tốt hơn.
Chúc hành trình đọc sách của bạn gặt hái được nhiều lợi lạc cho cuộc sống nói chung và cho tâm trí nói một cách sâu xa.