Chúng ta tiếp xúc với vô vàn thông tin từ thực tại nhưng chỉ chọn lọc vài thông tin cố định làm cột mốc nhận thức (điểm neo), rồi kết nối những cột mốc với nhau thành bộ khung phản chiếu. Từ đó, mỗi người sẽ hình thành cái mà họ gọi là “sự hiểu biết về thế giới xung quanh”.
Nói cách khác, nhận thức về thế giới xung quanh của mỗi người chính là sự so sánh, phóng chiếu qua lại giữa những điểm neo (những điều đã biết) với phần còn lại của thực tại (những điều chưa biết).
Khi Daniel Kahneman (Nobel kinh tế 2002) đặt câu hỏi cho 2 nhóm người tham gia thí nghiệm:
Nhóm 1: 1 x 2 x 3 x 4 x 5 x 6 x 7 x 8 = ?
Nhóm 2: 8 x 7 x 6 x 5 x 4 x 3 x 2 x 1 = ?
Yêu cầu đưa ra với 2 nhóm, chỉ được ước đoán kết quả chứ không được tính. Kết thúc thí nghiệm cho thấy, con số ước đoán trung bình của Nhóm 1 thấp hơn Nhóm 2 đến 4 lần. Điều gì đã khiến với cùng một phép tính toán học, chỉ thay đổi thứ tự con số trong dãy số nhân đã mang lại 2 ước đoán chênh lệch nhau lớn như thế?
D.Kahneman đặt tên cho hiện tượng này là HIỆU ỨNG NEO CỦA TÂM TRÍ.
Theo đó, tâm trí chúng ta bị chi phối rất mạnh bởi những điều VỪA MỚI BIẾT, đặc biệt, đối với các sự kiện mang tính logic thì con người có xu hướng chọn ngay những gì được biết đầu tiên của chuỗi logic đó làm điểm neo để đánh giá & phán đoán toàn bộ phần còn lại.
Trong thí nghiệm trên, những người thuộc Nhóm 1 bị tác động mạnh bởi mắt xích đầu tiên trong chuỗi – số 1, còn Nhóm 2 được gây ấn tượng mạnh bởi số 8. Hai con số này trở thành điểm neo của mỗi nhóm và kết quả cho thấy, người bị “neo” ở số 8 thường ước đoán kết quả phép nhân lớn gấp 4 lần những người bị “neo” ở số 1.
Hãy ngừng lại một chút…
- Bạn có đang đánh giá con mình dựa trên điểm neo là con của người khác ?
- Bạn có đang “cân đong” hoàn cảnh giữa mình và bạn bè rồi cho rằng mình đang làm một công việc nhàm chán, chậm phát triển ?
- Bạn có đang “lẫn lộn” giữa 2 khoản đầu tư với “rủi ro thua lỗ là 21%” và “khả năng thành công lên đến 79%” ?
- …v.v…
Những ước đoán, so sánh tương quan như thế chính là cách chúng ta đang suy nghĩ, hành xử & ra quyết định hàng ngày. Tâm trí con người lúc nào cũng đòi hỏi có một điểm neo, một tiêu chuẩn, một hình mẫu để đối chiếu với những điều còn lại.
Dĩ nhiên, các nhà nghiên cứu khuyên chúng ta phải cẩn thận, trong rất nhiều quyết định nhanh (do hoàn cảnh thúc đẩy), chúng ta thường sai lầm do Hiệu Ứng Neo. Tuy khó khắc phục nhưng hoàn toàn có chiến lược để kiểm soát, tránh đưa ra các quyết định đầy sự thiên kiến, lệch lạc:
- Hãy bình tâm & Không chạy theo cảm xúc tiêu cực. Mỗi khi sắp đưa quyết định hay đánh giá, bạn nên nhìn nhận thật rõ ràng “neo” của mình trong trường hợp này là gì? Kết luận mình đưa ra dựa trên việc so sánh với cái gì? Có bao nhiêu phần đánh giá là do “neo cảm tính” (thích & không thích)?…
- Hãy tạo các điểm neo ích lợi để giúp đỡ mọi người xung quanh. Ví dụ: cho nhân viên các “neo sự nghiệp” để họ theo đuổi lâu dài; cho khách hàng các “neo giá trị” – “neo niềm tin” – “neo uy tín” để tăng lợi thế sản phẩm, dịch vụ; cho người thân các “neo tình cảm” để gìn giữ hạnh phúc gia đình;…
- Dũng cảm từ bỏ các “neo cảm xúc” (buồn, giận, đố kỵ, ganh ghét,…), hãy lấp đầy khoảng trống cảm xúc đó bằng học hỏi, hiểu biết để tạo các điểm neo tri thức. Khi mỗi điểm neo là một tri thức đúng đắn, có cơ sở, có căn cứ – nó sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho tâm trí khi ra quyết định.
- …v.v…
Chúc mỗi người chúng ta kiểm soát tốt những điểm neo của mình và luôn tiếp bước không ngừng trên con đường vun bồi tri thức.