“Những Năng lực kiệt xuất hơn người là sự huân tập và phối hợp các kỹ năng bình thường trong đời sống của mỗi cá nhân” – Rất ít người chịu tin vào kết quả nghiên cứu của Giáo sư Dan Chambliss, dường như con người ta vẫn bị “định kiến về Tài năng bẩm sinh” đeo đuổi…
Kết luận trên thu được khi Dan Chambliss thực hiện nghiên cứu với các vận động viên bơi lội, nhằm tìm kiếm câu trả lời kiểu như “Làm thế nào để trở thành Michael Phelps?” hay tế nhị hơn “Muốn có đủ năng lực xuất chúng để đạt HCV Olympic, cần phải làm gì?”
Và Khoa học (dựa theo nghiên cứu của Dan) trả lời như sau:
“Thành tựu xuất chúng hay Năng lực siêu phàm thực chất là sự sắp xếp và phối hợp những kỹ năng nhỏ & rất bình thường. Mỗi cá nhân đều có những kỹ năng nhỏ này trong hoạt động sống hàng ngày (nhưng thường không nhận ra). Khi một người quyết định lựa chọn vài kỹ năng nhỏ để luyện tập & chăm chỉ luyện tập đến khi các kỹ năng đó thuần thục, trờ thành thói quen. Lúc này, họ kết hợp chúng lại trong một bộ khung tổng thể, điều kỳ diệu phát đã phát sinh. Những kỹ năng thông thường này khi được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, chính xác và phối hợp với nhau trong một cung cách nhất định đã tạo nên hiệu quả tột bật, mà chúng ta hay gọi là ĐẲNG CẤP XUẤT SẮC”.
Đó là lý do vì sao những vận động viên dù đã đạt đỉnh cao sự nghiệp vẫn ngày ngày tập đi tập lại các động tác cơ bản mà họ được học khi mới vào nghề. Những lĩnh vực khác cũng như vậy, đó là quy luật, người xuất chúng làm những điều bình thường một cách xuất sắc… Còn người mơ mộng về sự xuất chúng thì cố làm những điều to tát một cách quá sức, gượng ép mà bỏ qua các kỹ năng bình thường, cơ bản, nhập môn,…
Vì sao số đông không tin vào điều này?
Có nhiều lý do, nhưng tựu chung là bởi tâm lý mang nặng định kiến về “Tài năng”.
Thật khó chấp nhận câu chuyện về một Nhà vô địch thế giới môn bơi lội rằng: “Phương pháp của anh ta là tập bơi 7-8 tiếng mỗi ngày, và lặp lại điều nhàm chán đó trong 10 năm hoặc hơn”. Chẳng ly kỳ gì cả, anh ta hẳn phải có một bí kíp gì đó chứ… Đó là cái mà số đông tò mò muốn nghe (vì họ thích tính giải trí trong câu chuyện hơn là nghe để học hỏi và làm theo).
Khi được hỏi rằng “Tất cả nghiên cứu của ông chỉ có vậy thôi sao”. GS.Dan Chambliss cũng phải hóm hỉnh thừa nhận rằng: “Tất cả chúng ta đều thích sự bí hiểm và kỳ diệu. Tôi cũng vậy”
Hiểu lại cho đúng, tránh mộng tưởng
Đến đây, vài bạn đọc với tính lạc quan cao có thể nghĩ rằng “Từ giờ, tôi sẽ luyện tập chơi Cờ Tướng 6 tiếng mỗi ngày & 10 năm sau tôi sẽ trở thành kiện tướng vô địch Thế giới”.
Có thể và cũng chưa hẳn…
Con người ta cứ cố quy mọi thứ về một công thức thật đơn giản để chỉ cần làm theo đúng y như thế thì sẽ thành công 100%, đánh 1 cú là ăn chắc. Thật ngây ngô (người viết cũng đã từng như thế)…!? Bánh mì được làm qua nhiều công đoạn nhào trộn, lên men, nướng,… nhưng không có bột mì thì vô dụng. Cũng vậy, để trở thành Michael Phelps hay Lionel Messi cần rất nhiều yếu tố (sinh lý cơ thể, môi trường, tiền bạc, huấn luyện viên,…) nhưng nếu không có hàng chục ngàn giờ khổ luyện, sẽ chẳng có siêu phẩm cầu vồng, Hat-trick hay Huy chương Vàng Olympic nào cả.
Luyện tập bền bỉ không chắc (chỉ có thể thôi) giúp bạn thành người giỏi nhất nhưng chắc chắn nó làm cho bạn trở nên XUẤT SẮC. Khi các kỹ năng nhỏ được đào luyện, nuôi dưỡng liên tục và phối hợp chúng lại trong một bộ khung nhất định, bạn sẽ có “siêu năng lực” của riêng mình.
Thôi mơ mộng đi, hãy xác quyết con đường của bản thân, cân nhắc các điều kiện hiện tại rồi lựa chọn những kỹ năng nhỏ để đào luyện liên tục, chăm chỉ, bền bỉ. Khi đúng thời điểm, “điều kỳ diệu” sẽ xuất hiện,… ĐỪNG BAO GIỜ NẢN CHÍ